ĐÂU LÀ NGUYÊN NHÂN THẤT BẠI CỦA CỬA HÀNG BÁN LẺ
16/08/2018
4 BÀI HỌC ĐẮT GIÁ TỪ THẤT BẠI CỦA ĐẠI LÝ BÁN LẺ
Tục ngữ có câu "Phi thương bất phú”, thế nên bất kỳ ai có đam mê làm giàu đều lựa chọn con đường kinh doanh. Tuy nhiên, chốn thương trường xưa nay lắm rủi ro và thất bại thì luôn rình rập. Người ngôn ngoan sẽ biết cách học hỏi từ thất bại của người khác để rút ngắn con đường đến thành công cho bản thân mình.
Dưới đây là một số nguyên nhân thất bại của các đại lý bán lẻ mà Mekong Distribution đúc rút được trong quá trình tư vấn cho khách hàng, các bạn cùng nghiên cứu nhé.
- Sử dụng vốn không hiệu quả
Trong kinh doanh, sự thành bại đôi khi không phụ thuộc vào số vốn ban đầu nhiều hay ít, mà tùy thuộc vào cách bạn sử dụng dòng tiền có hiệu quả hay không.
Thực tế 8/10 đại lý thất bại đều rơi vào các trường hợp quản lý dòng tiền kém hiệu quả sau:
Thứ 1: Khởi nghiệp thiếu vốn nhưng lại đầu tư quá nhiều cho tài sản cố định. Tuy nhiên đây là khoản đầu tư "chết” vì không sinh lời ngay cho đại lý dẫn đến thiếu vốn để nhập hàng.
Thứ 2: Phán đoán sai nhu cầu của thị trường, thiếu kinh nghiệm nhập hàng nên nhập quá nhiều hàng giá cao, không bán được gây ứ đọng vốn.
Lời khuyên dành cho bạn là, khi nắm trong tay số vốn ít ỏi bạn cần tập trung vào những giải pháp đem lại lợi nhuận ngay, tìm cách quay vòng vốn nhanh nhất, tích cóp tiền bạc để tiếp tục đầu tư hiệu quả. Có như vậy sự nghiệp kinh doanh của bạn mới ngày càng phát đạt.
- Thiếu kinh nghiệm quản lý
Đối với những người lần đầu mở cửa hàng kinh doanh khó tránh khỏi thiếu kinh nghiệm quản lý nhân sự và quản lý hàng hóa, dẫn đến kinh doanh thất bại.
Về quản lý nguồn nhân sự, đa số chủ đại lý đều chia sẻ họ gặp phải các vấn đề sau:
Thứ 1: Chưa đánh giá đúng ứng viên dẫn đến tuyển dụng người không có năng lực.
Thứ 2: Không biết cách quản lý và đào tạo nên nhân viên làm việc kém hiệu quả, không bán được hàng hóa.
Thứ 3: Không giữ chân được người lao động dẫn đến thiếu hụt nhân sự.
Lời khuyên dành cho bạn là, hãy thận trọng trong công tác tuyển dụng và sử dụng lao động. Bên cạnh các chế độ đãi ngộ, lương thưởng theo sức lao động, hãy tạo ra một môi trường làm việc thoải mái và gắn bó để giữ chân người tài.
Về quản lý hàng hóa, các vấn đề mà đại lý thường gặp là:
Thứ 1: Không biết cách phòng ngừa thất thoát và bảo quản sản phẩm, dẫn đến sản phẩm hư hỏng gây tổn thất cho đại lý.
Thứ 2: Không biết cách phân bổ và sắp xếp sản phẩm.
Ở đây, kinh nghiệm quản lý hàng hóa không phải ngày một ngày hai mà có. Tuy nhiên để không phạm phải những sai lầm cơ bản, bạn có thể học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước hoặc từ những nhà tư vấn bán lẻ có tầm nhìn.
- Không có chiến lược bán hàng, chiến lược cạnh tranh
Mẫu số chung của các đại lý thất bại chính là tư duy "thụ động” ngồi im chờ đợi khách hàng đến với mình. Tư duy đó sẽ "giết” bạn nhanh hơn và đặt dấu chấm hết cho cuộc cạnh tranh phân chia miếng bánh thị trường sơn. Bởi ngày nay, cùng với sự bùng nổ của internet, đối thủ của bạn không chỉ là những cửa hàng vật lý mà còn vô vàng đại lý, nhà phân phối online đang dùng đủ chiêu thức để tiếp cận người mua hàng 24/7.
Dưới sức ép cạnh tranh của thị trường, nếu không có một chiến lược marketing, bán hàng phù hợp thì bạn khó lòng "trụ lâu” được. Hãy đề ra chiến lược marketing khôn ngoan để thu hút thêm khách hàng mới và giữ chân khách hàng trung thành, từ đó tăng doanh thu và lợi nhuận cho đại lý của mình.
- Thiếu tính chuyên nghiệp
Xuất phát từ tâm lý "làm chủ” nên nhiều người vận hành cửa hàng bán lẻ rất thiếu chuyên nghiệp: thời gian mở/đóng cửa hàng bất thường, nhầm lẫn giá cả hàng hóa, thái độ bán hàng thiếu chuyên nghiệp… Thêm nữa, những người mới bắt đầu kinh doanh nếu không có kế hoạch chuyên nghiệp và kỹ lưỡng thường hay thấy "gian nan” mà "dễ nản”, nhanh chóng bỏ cuộc. Do đó nếu muốn kinh doanh sơn thành công, bạn cần bắt đầu bằng thái độ chuyên nghiệp.